Tiến bộ của nền y học nước nhà đã giúp cho những người kém may mắn này thoát khỏi nỗi ám ảnh về một hình thức không bình thường của mình. Chỉnh hình thẩm mỹ hàm mặt đang là xu hướng làm đẹp của phụ nữ hiện nay
Tình trạng biến dạng xương hàm ở nước ta hầu như không được người bệnh lưu ý và tìm cách chữa trị. Nhiều ông bố bà mẹ đã để con mang những biến dạng, lệch lạc này suốt đời và kết quả là đứa trẻ lớn lên với hàm răng vẩu, móm hoặc không cắn khít, khiến đứa trẻ thua kém bạn bè về mặt hình thức đã đành, còn gây nên các bệnh dạ dày, đường ruột… vì “bộ nhai” khiếm khuyết”.
Những loại biến dạng xương hàm thường gặp
– Vẩu một phần hoặc cả hàm trên theo kiểu nhô ra
– Vẩu hàm dưới, móm cả hai hàm, răng của hàm dưới “vươn” sang bên phải trong khi răng của hàm trên lại “vẹo” sang bên trái, khiến khớp cắn không cân đối, cắn hở
– Hàm dưới phát triển quá mức bình thường, tạo nên một “bộ quai hàm” khổng lồ rất khó coi, có người xương hàm dưới lại dài quá cỡ khiến bộ mặt mang vẻ kỳ dị, có người bị vẩu đến mức hai làn môi gần như không thể chạm nhau.
Ngoài biến dạng xương hàm, còn có một tỉ lệ không nhỏ người dân bị tật bẩm sinh như: Xương thái dương quá hóp, xương gò má quá to và nhô cao, mũi quá tẹt hay phụ nữ có gương mặt nam tính (vuông vức, nhiều góc cạnh)… Một phép tính sơ bộ đã cho thấy, có trên 30% trẻ bị biến dạng xương hàm bẩm sinh và có tới gần 50% người lớn có những “chi tiết khó coi” về hàm mặt do không được điều trị, nắn chỉnh kịp thời.
Mặc dù có những lệch lạc nêu trên, nhưng nếu trẻ được khám và nắn chỉnh kịp thời thì có tới hơn 90% trường hợp khiếm khuyết nói trên được giải quyết mà không cần đến phẫu thuật. Điều đáng nói là chữa biến dạng xương hàm bằng nắn chỉnh có chi phí rẻ hơn hàng chục lần so với phẫu thuật, bệnh nhân lại không phải chịu những ca mổ đau đớn và không mấy dễ chịu, nhưng rất ít người biết được điều này để điều trị kịp thời.
Chỉnh hình hàm mặt bằng phẫu thuật thẩm mỹ
Việc nắn chỉnh hàm chỉ có thể tiến hành khi trẻ ở giai đoạn từ 9-15 tuổi. Lúc này, xương hàm mặt của trẻ đang ở giai đoạn phát triển, vẫn có thể “uốn nắn vào khuôn phép” bằng khí cụ chỉnh hình hàm mặt. Đối với những trẻ bị hàm hẹp, nẹp chỉnh sẽ nong rộng hàm ra và ngược lại, sau đó bệnh nhân phải đeo khung hàm cố định để răng có thể từ từ được điều chỉnh. Với những người trên 16 tuổi, thì việc chỉnh hình hàm mặt bằng khí cụ không còn có giá trị, mà phải nhờ đến phẫu thuật.
Đối với người bị vẩu hàm trên (hàm dưới bị thụt vào), chuyên gia phẫu thuật sẽ cắt bớt xương hàm trên và điều chỉnh cho xương hàm trên lùi sâu vào. Nếu xương hàm trên quá dài, bác sĩ sẽ lấy bớt phần xương thừa ở hàm trên. Nếu xương hàm dưới quá ngắn, bác sĩ sẽ cắt và đẩy xương hàm dưới ra trước. Nếu chỉ bị vẩu ở những răng cửa, thì có thể điều chỉnh bằng cách nhổ răng số 4, cắt bớt xương hàm ở vùng răng này và đẩy phần hàm phía trước lùi ra sau, diện tích cắt rộng hay hẹp tuỳ vào mức độ vẩu của xương hàm.
Đối với người bị khớp cắn hở, cũng sẽ giải quyết bằng phẫu thuật mổ điều chỉnh phần xương thừa và ghép xương thiếu cho từng hàm tương ứng.
Đối với người bị móm (hàm dưới nhô ra trước) thì bác sĩ sẽ cắt và đẩy xương hàm dưới ra sau, hoặc đẩy xương hàm trên ra trước.
Phẫu thuật chỉnh hình thẩm mỹ hàm mặt, Sức khỏe đời sống,
Như vậy, tuỳ mức độ của sự “dị tướng”, bác sĩ sẽ cân nhắc và đưa ra những quyết định phù hợp. Quyết định này cũng sẽ dựa trên cơ sở tình trạng sức khoẻ, tuổi tác, đặc tính tâm lý của bệnh nhân. Nhìn chung, trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được khám, làm các loại xét nghiệm, chụp X quang toàn bộ phần xương sọ và hàm mặt để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho ca mổ.
Chi phí cho mỗi ca mổ tùy mức độ phức tạp của các loại dị tật hay biến dạng hàm mặt. Sau khi mổ xương hàm mặt, bệnh nhân sẽ được vít cố định hai hàm bằng vít chuyên dụng. Lúc này, bệnh nhân phải ăn những thức ăn lỏng, mềm như sữa, nước cháo. Sau khoảng 1-1,5 tháng, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường.
Chưa có bình luận nào